30 thg 5, 2011

Thực trạng đào tạo tín chỉ theo đề cương môn học ở khoa Tâm lý học

Ngay từ năm học 2001-2002, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các trường Đại học, Cao đẳng thực hiện đào tạo theo hình thức Học chế tín chỉ. Tuy nhiên phải đến tháng 9/2007 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mới bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đào tạo theo tín chỉ. 

Tín chỉ là đơn vị căn bản để đo khối lượng kiến thức và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Học chế tín chỉ là hình thức đào tạo cho phép người học thực hiện tiến trình tiếp thu tri thức một cách chủ động phù hợp với điều kiện và năng lực của từng người học. Nhờ đó nâng cao được chất lượng đào tạo, hạn chế được tình trạng dạy và học theo lối kinh viện và góp phần rút ngắn khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng nguồn nhân lực. Vì vậy, phương châm của tín chỉ là « Lấy người học làm trung tâm ». 

Sau 4 năm triển khai mô hình đào tạo theo tín chỉ, bây giờ là lúc Khoa tâm lý học nhìn lại quá trình thực hiện đạo tạo theo mô hình này. Trong khuôn khổ của cuộc tọa đàm rút kinh nghiệm ở cấp khoa, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số ý kiến xung quanh thực trạng đào tạo tín chỉ theo đề cương chi tiết ở khoa Tâm lý học. Bài viết của chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề chính : 

· Vấn đề biên soạn đề cương môn học 

· Sử dụng phương pháp giảng dạy 

· Tiến trình giảng dạy theo thời lượng môn học 

Các trình bày dưới đây được rút ra từ kinh nghiệm của bản thân, từ các cuộc trò chuyện với giáo viên và sinh viên trong khoa (đặc biệt là trò chuyện với sinh viên k52) và có tham khảo ý kiến của một số giáo viên các khoa khác trong trường (như khoa Xã hội học, khoa Đông phương học). 


1. Vấn đề biên soạn đề cương môn học 


Do chưa có kinh nghiệm soạn bài theo tín chỉ, trong khi tinh thần trách nhiệm biên soạn môn học mà mỗi giáo viên và/hoặc đồng nghiệp sẽ dạy lại rất cao nên nhìn chung các giáo viên trong khoa đều đưa ra một chương trình môn học có nội dung khá nhiều, khá lý tưởng. Tuy nhiên, khi kết hợp giữa nội dung môn học đó với các phương pháp giảng dạy tích cực cần thực hiện, trong điều kiện số lượng sinh viên trên dưới 100 người ở các môn học chung và đặc biệt với khoảng thời gian hạn hẹp, cố định… thì việc giáo viên giảng dạy phải bám sát theo những đề cương chi tiết môn học đã soạn là điều vô cùng khó khăn (một số các khoa khác trong trường cũng như vậy). 

Tình trạng nội dung trong đề cương nhiều so với dạy thực tế, theo các giáo viên, còn do giáo viên phải viết đề cương chi tiết môn học cho đủ số lượng trang ấn định - khoảng 20 trang theo yêu cầu với những hạng mục quá tỷ mỷ và cứng nhắc. Trong khi các đề cương môn học mà chúng tôi được biết trên thế giới chỉ cần nêu trong 2,3 trang với đầy đủ mục tiêu, nội dung, phương pháp và học liệu, mà không cần thiết chia nhỏ từng nội dung, chia nhỏ thành nhiều vấn đề trong một nội dung theo từng ngày và theo các cấp độ mục tiêu khác nhau. 

Một số ý kiến khác cho rằng tình trạng một số môn học được thiết kế chung cho nhiều giáo viên dạy cũng dẫn đến tình trạng dạy không bám sát đề cương. Các ý kiến dưới đây phản ánh tình trạng này: 

- “Các môn học em dạy nhưng lại do các thầy cô đi trước biên soạn nên cũng có sự không hoàn toàn thống nhất giữa đề cương đã được thiết kế và những nội dung mình đang giảng dạy”. 

- “ Vì đôi khi người đi dạy không phải là người soạn đề cương môn học, nên em nghĩ cần có một buổi trao đổi chung giữa người viết đề cương với những người đi dạy môn học đó để người dạy nắm được tinh thần chung môn học cần đạt được, nếu không tình trạng đề cương môn học xa rời thực tế là điều khó tránh khỏi’’. 

- « Nội dung môn học được đưa vào khá nhiều mà không tính hết thời gian bị tiêu hao do phải tổ chức các phương pháp hoạt động khác nhau để sinh viên lĩnh hội tốt nội dung đó … » 

Yêu cầu giảng dạy gắn với mục tiêu của từng bài cụ thể đã ghi trong đề cương môn học cũng là điều ’’không tưởng’’ đối với người dạy. Thật khó khăn cho người dạy khi họ buộc phải thiết kế một đề cương khá chi tiết về các cung bậc khác nhau của mục tiêu theo từng bài. Trong khi trên thực tế họ không thể đáp ứng cả 3 cấp độ mục tiêu đó. Điều này dẫn đến tình trạng người dạy không đáp ứng được những yêu cầu mà chính mình hoặc đồng nghiệp đề ra. Những sinh viên được phỏng vấn cũng nhấn mạnh nhiều về việc giáo viên đã không trình bày bài theo đúng 3 cấp mục tiêu trong từng vấn đề và 3 loại mục tiêu như đã viết trong đề cương môn học. 

2. Sử dụng phương pháp giảng dạy 

Giảng dạy có sự tham gia chủ động, tích cực của người học là phương châm chủ yếu trong đào tạo tín chỉ. Tuy nhiên trên thực tế, xét riêng về hình thức tổ chức dạy học, không ít giáo viên đã không đi theo được đúng tiến trình phương pháp mà đề cương môn học đã ghi. Điều này chủ yếu là do sinh viên đông, bàn ghế ngồi học khó di chuyển nên giáo khó tổ chức nhanh các phương pháp dạy học khác nhau. Ngoài ra, việc đưa ra nhiều nội dung trong syllabus với thời gian dành cho chúng quá ít, nên nhiều giáo viên đã phải dùng thuyết giảng để đẩy nhanh nội dung cho kịp tiến độ. Mặt khác, hạn chế về việc nắm vững bản chất và cách tổ chức các phương pháp giảng dạy tích cực cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên không sử dụng đúng phương pháp giảng dạy như đề cương môn học đã đưa ra. Dưới đậy là một số ý kiến về vấn đề này : 

« Em nhận thấy là hình thức tổ chức dạy học không giống với những gì syllabus đưa ra mà nguyên nhân chính của việc đó là do em không tuân thủ theo kịp lịch trình của đề cương môn học đòi hỏi phải đảm bảo số giờ lý thuyết, số giờ thảo luận và giờ bài tập như đã nêu ra, vì dạy như vậy tốn rất nhiều thời gian ». 

Hoặc: “Các giờ hoạt động trên lớp em đã thay đổi. Khi soạn đề cương em không để ý nhiều giờ thực hành và tự học, nhưng khi dạy sinh viên, với mong muốn có những tình huống cụ thể, ca cụ thể để thảo luận và hiểu nội dung lý thuyết, do vậy em phải cắt bớt thời gian dạy lý thuyết để dạy thực hành, vì vậy phương pháp trình bày đã khác so với đề cương đưa ra”. 

Thực tế cho thấy việc xác định mức độ tham gia của giáo viên và sinh viên là bao nhiêu trong một nội dung môn học cụ thể vẫn cần phải bàn bạc, thảo luận giữa các giáo viên trong bộ môn và tự rút kinh nghiệm ở mỗi giáo viên trong khoa. Điều này có nghĩa là có một số giáo viên khi lên lớp đã lạm dụng phương pháp thuyết trình, số khác lại ‘‘Thả lỏng sân khấu cho sinh viên trình diễn’’, cả hai cách làm này đều không bám sát với những gì đã ghi trong đề cương môn học. 

Đứng từ góc nhìn của sinh viên, nhiều em nhận xét rằng các thầy cô trong khoa có các xu hướng trình bày kiến thức khác nhau. Một số thầy cô lên lớp chủ yếu là sử dụng phương pháp « đọc - chép », ít gắn với thực tiễn cuộc sống. Điều này gây nhàm chán, tẻ nhạt trong giờ học. Ngược lại, một số thầy cô chủ yếu sử dụng cách thức giao bài cho các nhóm sinh viên tự biên soạn và lên trình bày trong gần hết số giờ dạy, việc tóm tắt bài của thầy cô còn sơ lược nên sinh viên nắm vấn đề không tốt. Cách dạy này được một số thầy cô áp dụng cho cả môn có tính đại cương và môn chuyên ngành. Cách dạy này cũng không được sinh viên đánh giá tốt. Một số giáo viên khác, trong đó có một số bạn trẻ đã kết hợp giữa lý thuyết khoa học và tình huống thực tế, giữa phần trình bày - giảng giải của giáo viên với phần thảo luận, tự tìm tòi của sinh viên, nên được nhiều sinh viên nhắc tới kèm theo sự yêu thích môn học đó. 

« Nội dung chương trình dạy dài, mà chỉ gói gọn vào một số tiết nhất định nên nhiều khi để cung cấp đủ kiến thức cho sinh viên thì không thể đưa giờ thảo luận hay bài tập vào được, mặc dù ở đề cương ghi tuần đó phải dành riêng cho thảo luận. Vì thế, để sinh viên tham gia vào bài học thì em cho mỗi nhóm chuẩn bị một bài, mỗi buổi học sẽ có một nhóm trình bày và các nhóm khác đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến chứ không tổ chức thành các giờ thảo luận riêng về một chủ đề nhất định nào, xét về mặt nào đó thì làm như vậy cũng chưa phù hợp với đề cương yêu cầu». 

Sử dụng các phương pháp truyền đạt tích cực để khích thích người học là yêu cầu quan trọng đối với giáo viên khi dạy theo học chế tín chỉ. Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau, như kiến thức đưa ra quá nhiều, sinh viên đông, phòng ốc chưa đáp ứng, tài liệu học học tập chưa đầy đủ, tính chủ động đổi mới phương pháp dạy của một số giảng chưa thật sự tích cực…, nên phương pháp dạy trên lớp của giáo viên đôi khi chưa phù hợp với đề cương môn học đề ra. 

3. Tiến trình giảng dạy theo thời lượng môn học 

Có thể nói điều chung nhất về các môn mà giáo viên trong khoa đã biên soạn là: Các nội dung được thiết kế trong đề cương môn học quá nặng, nhiều lý thuyết, mang tính lý tưởng, mà chưa tính hết mức độ ảnh hưởng của điều kiện giảng dạy, cơ sở vật chất và phương pháp trình bày…, nên quá trình dạy chưa thực sự phù hợp với đề cương. Dưới đây là ý kiến của giáo viên trẻ đối với các môn họ đang dạy: 

« Thật sự em không theo được cả nội dung lẫn phương pháp. Vì khi soạn và khi dạy đã khác nhau: Phần thì do người dạy không phải là người soạn, phần thì do người dạy đã dần nâng cao, đi sâu hơn về kiến thức, phương pháp dạy linh hoạt hơn và cách tiếp cận vấn đề có thể đã khác đi (theo hướng tích cực hơn). Trong khi đề cương môn học mang tính hình thức, có vẻ khoa học, nhưng máy móc, ấn định quá cụ thể, có vẻ như mục tiêu là để kiểm tra người dạy, nhưng thực tế lại không thể kiểm soát được thành ra đề cương lại mang tính đối phó, điều này làm cho người dạy không thấy thoải mái vì thiếu sáng tạo ». 

Mặt khác, do một môn có nhiều người dạy nên các giáo viên có những cảm hứng về môn học khác nhau, mức độ nắm vững kiến thức khác nhau đối với từng vấn đề nên có thể dẫn tới việc không làm chủ thời gian theo nội dung đã ghi trong đề cương môn học. 

« Về nội dung, có những bài em nắm vững kiến thức hơn thì triển khai, mở rộng nhiều hơn cho sinh viên, đưa thêm những kiến thức mà em cho là quan trọng vào bài học (dù trong syllabus không đưa vào), còn với những bài em không có nhiều ý để nói, không có nhiều ví dụ hay để minh họa thì em dạy đúng với những gì đề cương môn học nêu ra. Cũng vì điều này mà có nhiều bài, em dạy quá thời gian so với quy định, không đảm bảo đúng với tiến trình môn học ». 

Việc giảng dạy không bám sát theo nội dung và thời gian còn được một số giáo viên lý giải theo góc độ khả năng của người học. Ví dụ : ‘‘Tùy từng năm, sinh viên đầu vào có trình độ khác nhau và nhu cầu tuyển dụng cũng thay đổi nên việc nhấn mạnh kiến thức trong đề cương có khác nhau là cần thiết, điều này dẫn đến việc làm xô lệch tiến trình giảng dạy’’. Hoặc : ‘‘Cũng là một đề cương giống nhau, nhưng đối với sinh viên khoa này thì nên tập trung sâu và thực hành tình huống, trong khi đối với khoa khác họ lại cần nắm vững hệ thống lý thuyết hơn. Sự nhấn mạnh nội dung và sử dụng phương pháp trình bày khác cũng làm cho chương trình dạy có khác một chút so với đề cương’’. Hay, « Đối với những môn học mới, kiến thức của giảng viên đã nâng cao khá nhiều so với 3,4 năm trước khi viết đề cương môn học, vì vậy dạy không thực sự bám sát đề cương cũng là điều xảy ra tự nhiên’’ 

Thậm chí có giáo viên họ thành thực nói rằng lúc đầu đi dạy chỉ quan tâm đến nội dung môn đó, dạy sao cho tốt nhất với thời giờ cho phép, mà hoàn toàn trong đầu không biết là khi dạy cần phải tuân theo đúng đề cương chi tiết từ nội dung đến hình thức tổ chức dạy học đã được ghi trong đề cương môn học. 

Một khía cạnh khác cũng được giáo viên nhắc đến là tiến trình kiểm tra, đánh giá người học. Khi dạy theo tín chỉ, việc đánh giá thường xuyên gặp khó khăn và mất nhiều thời gian của giảng viên. Do vậy, có giáo viên thay cách đánh giá thường xuyên bằng một bài thi viết trên lớp, hoặc tính điểm thường xuyên theo mức độ chăm chỉ đi học và mức độ phát biểu của sinh viên trên lớp, hoặc để cho cán bộ lớp đánh giá thái độ học tập của sinh viên. Có thể nói, giáo viên chấm bài thường xuyên theo yêu cầu là rất khó khăn khi lớp học đông sinh viên. Điều này cũng dẫn đến tình trạng kiểm tra thường xuyên học sinh chưa phù hợp với yêu cầu đề ra trong đề cương môn học. Như ý kiến của một giáo viên trẻ về vấn đề nàynhư sau: 

“Cần phải thay đổi cách đánh giá công việc của giáo viên. Vì rõ ràng, đào tạo theo tín chỉ giáo viên phải làm việc nhiều hơn nhưng cách đánh giá công sức họ bỏ ra có nhiều bất cập. Ví dụ, đào tạo theo tín chỉ là đánh giá theo cả một quá trình. Nếu giáo viên nào tích cực thì có thể một tháng cho 1 bài tập/1 sinh viên sau đó đánh giá nhưng sẽ không khả thi khi lớp quá đông (ví dụ lớp 100 sinh viên x 3 tháng x 3 bài tập = 300 bài tập/1 lớp môn học, mà giáo viên có thể dạy vài lớp như thế). Trong khi công việc này mất rất nhiều thời gian mà không được trường tính đến. Do đó, giáo viên có xu hướng cho ít bài tập hơn, chất lượng dạy và học cũng sẽ bị ảnh hưởng theo”. 

Tóm lại, để dạy theo học chế tín chỉ, yêu cầu hàng đầu là phải đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó giáo viên chủ yếu hướng dẫn sinh viên cách học để tăng cường hơn nữa quyền chủ động của sinh viên. Tuy nhiên chúng ta vẫn hướng theo cách dạy truyền thống, sẵn sàng truyền đạt tối đa kiến thức của mình và sẵn sàng đáp ứng thói quen học của sinh viên với hình thức “chép bài” theo kiểu phổ thông. Mặt khác, tính cố hữu, cứng nhắc trong soạn thảo đề cương môn học và điều kiện, phương tiện dạy học chưa đáp ứng… cũng làm cho hiệu quả mà đào tạo tín chỉ đem lại thực tế chưa thực sự cao. 

4. Kiến nghị 

· Việc thay đổi, chỉnh sửa lại nội dung đề cương môn học để cập nhật những tri thức, nội dung giảng dạy hiện đại và phù hợp với số giờ tín chỉ quy định là cần thiết. Tuy nhiên, quy định cụ thể cho việc này chưa rõ ràng và làm mất nhiều thời gian. Câu hỏi đặt ra là sau khi các giáo viên giảng dạy xem xét, chỉnh sửa đề cương môn học theo từng năm trong bộ môn (những thay đổi nhỏ này không làm xáo trộn nội dung của môn học) thì họ phải chuyển đến cho những cấp nào xem xét? Quy trình làm như thế nào? Thời gian trả lời là bao lâu..? Nhà trường cùng khoa cần quan tâm đúng mức công việc này. 

· Nhà trường cần cân nhắc vấn đề đầu tư các phòng ốc, bàn ghế... sao cho phù hợp với mục đích dạy học và hình thức dạy học. Như, các môn đại cương thường có số sinh viên nhiều, dạy lý thuyết là chủ yếu thì cần các phòng lớn, bàn ghế cố định có thể chứa khoảng 300 sinh viên. Còn dạy theo kiểu thảo luận nhóm nhỏ, thực hành trong nhóm thì cần các phòng nhỏ nhưng bàn ghế phải có thể di chuyển được. Thậm chí có phòng học không nhất thiết phải có bàn ghế, chỉ cần có sàn nhà sạch sẽ là có thể tổ chức được các môn học thực hành linh hoạt. Với cách làm triệt để về điều kiện phòng ốc thì mới thực sự thay đổi được phương pháp giảng dạy và học tập. 

· Khi sử dụng projector, nhiều phòng học (nhất là các phòng ở nhà nối A-B và B-C) bị ánh sáng chiếu vào quá lớn gây ảnh hưởng tới độ tập trung học tập của sinh viên và ảnh hưởng tới mắt của các em. Đề nghị nhà trường cân nhắc chỉnh sửa để tránh tiếp tục xảy ra tình trạng này.

GS.TS Trần Thị Minh Đức
Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét