24 thg 5, 2011

Nhìn lại Hội thi Nghiệp vụ Cố vấn học tập lần thứ nhất

Search bằng google cụm từ “Hội thi Nghiệp vụ cố vấn học tập” vào 17/5/2011, có 193 kết quả và tất cả đều gắn với địa chỉ của Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Đó là minh chứng cho việc lần đầu tiên có môt cuộc thi như vậy đã được tổ chức và vòng chung khảo diễn ra vào đêm 18/05/2011 tại Hội trường tầng 8, nhà E, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
 Hội thi Nghiệp vụ cố vấn học tập vừa mới hoàn thành đánh dấu 63 ngày đêm với rất nhiều cung bậc cảm xúc mà có lẽ chỉ những người thực sự trong cuộc mới thấu cảm hết được. Chúng ta có thể khẳng định rằng Hội thi đã thực sự có tác động nhất định đến hoạt động đào tạo của Nhà trường, không chỉ ở cấp quản lý mà tới đội ngũ giảng viên đông đảo và đồng thời là cả sinh viên.
 Khởi động từ tháng 3/2011, với khẩu hiệu “Đồng hành – Trách nhiệm – Sáng tạo”, Nhà trường mong muốn từ trong nhận thức tới hành động của Thầy và Trò ĐH KHXH&NV trong công tác cố vấn học tập nói riêng và trong hoạt động đào tạo đại học nói chung từ nay sẽ luôn tỏa sáng tinh thần đó.
 “Đồng hành” bởi công tác CVHT hoàn toàn khác xa với công tác giáo viên chủ nhiệm trước đây ở triết lý cốt lõi của nó. Từ tư duy hành chính, cai quản, ra lệnh trong quan hệ GVCN với sinh viên là phần lớn chúng ta phải chuyển qua tư duy chia sẻ - định hướng – tư vấn – hỗ trợ giữa CVHT với sinh viên là phần lớn. Đó là bước chuyển mạnh mẽ mà chúng ta nhìn lại gần 4 năm qua cũng còn nhiều “khoảng trống” cần bù đắp.
“Trách nhiệm” bởi công tác CVHT trong bối cảnh chuyển đổi đào tạo tín chỉ những năm đầu thực sự là một thử thách lớn trước hết là với sinh viên. Rời trường phổ thông, các em chưa kịp làm quen với môi trường sống mới, môi trường xã hội mới thì phải làm quen ngay và nhanh và nhiều với môi trường học tập mới. Sự nhanh nhạy và sức sáng tạo của tuổi trẻ trong trường hợp này cũng có khi phải dừng bước trước “ma trận” của các tham số đào tạo, các quy định quy chế và các hoạt động đòi hỏi phải có chỉ số số hóa ở mức độ nhất định đối với các tân sinh viên. Bởi thế, sẽ là hạnh phúc cho sinh viên khi CVHT của họ không chỉ là người có hiểu biết vững vàng, kỹ năng giỏi giang mà còn là người có trách nhiệm nữa.
 “Sáng tạo” bởi đào tạo tín chỉ là mới, là CVHT như cách chúng ta đang làm hiện nay cũng là mới (chưa thấy trường đại học nào trên thế giới làm theo cách như vậy?) và cả cách tổ chức hội thi này cũng vậy. Đương nhiên, phần đa mọi người sẽ nhất trí với nhau rằng nếu những hành vi có tính trách nhiệm và trách nhiệm cao thì chắc chắn đi cùng với nó sẽ là những sáng tạo. Không có sáng tạo, chúng ta không thể tìm ra các giá trị đích thực.
 Từ nhận thức như vậy, Hội thi đã được tổ chức để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, tư duy sáng tạo của các đơn vị, các CVHT. Qua các bài thi, hàng loạt vấn đề, giải pháp được đặt ra thực sự là tư liệu quý để chúng ta cùng nhìn lại công việc trọng hệ này trong 4 năm tín chỉ hóa đào tạo đại học ở trường ta. Cũng ở hội thi “chưa hề có tiền lệ” này, Nhà trường đã mời đại diện sinh viên đang học tham gia Ban Giám khảo của hội thi. Đó không phải là cách mà chúng ta thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến đánh giá của sinh viên mà còn là sự kỳ vọng của Nhà trường vào vai trò chủ thể của chính sinh viên để giúp cho công tác CVHT được tốt hơn, cho hoạt động đào tạo được tốt hơn .
Hơn 2 tháng qua, đồng hành cùng cuộc thi của các CVHT là cuộc thi dành riêng cho sinh viên với chủ đề “Nêu câu hỏi, đặt tình huống cho cố vấn học tập”. Qua nội dung các bài dự thi, Nhà trường nhận thấy rõ ràng nhu cầu rất cao của sinh viên mong đợi nỗ lực nhiều hơn nữa của tập thể CVHT nhưng đồng thời cũng nhận thấy trong nhận thức của sinh viên về vai trò, trách nhiệm của CVHT cũng còn những phần phải bổ khuyết. Tổng kết cuộc thi, đã có 16 sinh viên được trao giải thưởng với những vấn đề được nêu lên rất sắc sảo, tâm huyết. Nhà trường đã nhận thấy ngay ở những bài dự thi đạt giải có những việc cần làm ngay và có những việc phải có sự đầu tư quyết liệt để nâng cao chất lượng công tác CVHT. Đó chính là giá trị lớn nhất mà cuộc thi của các bạn sinh viên đã mang lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét