24 thg 5, 2011

4 năm chuyển đổi phương thức đào tạo: Bài học kinh nghiệm, cơ hội và thách thức (1)

        Theo kế hoạch công tác năm 2010, phải tới tháng 10 tới đây Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mới tổ chức hội nghị đánh giá 4 năm chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ.  Quan trọng hơn, tới tháng 6 năm 2011, khi khóa đào tạo hoàn toàn theo tín chỉ đầu tiên ra trường, chúng tôi mới có thể bước đầu đưa ra những đánh giá tương đối toàn diện và có hệ thống về quá trình chuyển đổi phương thức đào tạo ở trường chúng tôi, những việc đã làm và những gì cần phải làm tiếp trong những  năm tiếp theo. Trong diễn đàn này, tôi chỉ xin nêu một số đánh giá có tính chất tổng quát và còn có phần cảm tính về những gì mà chúng tôi đã làm, những như những khó khăn thách thức đang đặt ra buộc chúng tôi phải nhận thức và tìm cách vượt qua.
1.      Nhìn lại 4 năm chuyển đổi
Cho tới hôm nay, ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, những  khái niệm như: đăng ký môn học, đề cương môn học,  lớp môn học, …là những từ ngữ đã rất quen thuộc. Chắc chỉ ít năm nữa, mọi người sẽ không còn từ chuyển đổi, và đào tạo theo tín chỉ nữa, vì lúc đó chỉ còn là những chuyện đương nhiên đang vận hành của đào tạo mà ai cũng biết.
Công việc bắt đầu từ khoảng những năm 2003-2005, khi Nhà trường thảo luận gay gắt về vấn đề làm thế nào để chuẩn hóa về công nghệ quản lý đào tạo, quốc tế hóa và hiện đại hóa toàn bộ hoạt động đào tạo của trường một cách tốt nhất. Chuyển sang phương thức tổ chức đào tạo theo tín chỉ được chọn là một giải pháp bài bản, hệ thống, toàn diện và lâu dài. Khi đó hệ thống văn bản pháp quy và hướng dẫn của Bộ mới bắt đầu được biên soạn và một vài văn bản sơ lược có tính định hướng được ban hành. Đại học Quốc gia lúc đó chưa có triển khai gì cụ thể. Trường ĐHKHXHNV đã tự tìm hướng đi và phương pháp giải quyết riêng cho mình. Những chuyến đi khảo sát kinh nghiệm của các trường bạn trong và ngoài nước được triển khai khẩn trương, các tài liệu nước ngoài  được tìm hiểu để phục vụ việc chuyển đổi và đặc biệt nhiều cán bộ và sinh viên trực tiếp tham gia hệ thống đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học ở nước ngoài đã được hỏi ý kiến và tham gia xây dựng đề án chuyển đổi. Năm 2006, công cuộc chuyển đổi bắt đầu với những khó khăn chồng chất.
Cho đến nay, diện mạo của cả hệ thống đào tạo đã định hình theo dáng vẻ của một hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Sinh viên bắt đầu quen với việc thức suốt đêm để đợi đăng ký môn học, chờ lớp trống và tìm lớp mới giống như hình ảnh quen thuộc ở các trường  tại  Âu, Mỹ, Ôxtraylia, hay Singapore, Đài Loan…Các thầy đã bước đầu giảng dạy theo để cương môn học, kiểm tra đánh giá theo quy định mới, phương pháp giảng dạy đã bước đầu thay đổi, đã có những sinh viên có thể tốt nghiệp sớm, những điều kiện để học bằng kép, bằng hai, bằng chính phụ đang rộng mở hơn lúc nào hết…Sự năng động của sinh viên và tính tự quyết chủ động của họ tăng lên rõ rệt.
Nhìn lại 4 năm chuyển đổi đào tạo, có thể rút ra mấy điểm được coi là kinh nghiệm sau đây:
- Vấn đề tư tưởng là yếu tố cực quan trọng quyết định thắng lợi. ( khai thông về tư tưởng, nhất trí cao trong toàn thể cán bộ có tính quyết định)
- Chuẩn bị chu đáo và lường trước khó khăn
- Quyết tâm cao độ, chỉ đạo cương quyết và kịp thời ( vai trò của tổ chức đảng và vai trò gương mẫu của đảng viên)
- Năng động đối phó, điều chỉnh giải quyết các phát sinh và các khó khăn vướng mắc
- Xác định đúng khâu trọng tâm, khâu then chốt. ( công nghệ và cán bộ)
- Cần chuẩn bị các điều kiện kinh tế và vật chất cần thiết cho công cuộc chuyển đổi.
2.   Cơ hội và những khó khăn, thách thức trong chặng đường tiếp theo
Chúng tôi gọi giai đoạn 4 năm qua là giai đoạn thứ nhất của quá trình chuyển đổi,  2011 tới 2015 sẽ là giai đoạn thứ hai. Đây là giai đoạn chuyển đổi theo chiều sâu. Giai đoạn đầu chuyển đổi chủ yếu triển khai trên phương diện hình thức, phương diện công nghệ, chu trình quản lý và tu duy về đào tạo, bước đầu ở phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá.
Việc triển khai chuyển đổi đào tạo theo chiều sâu được diễn ra trong vận hội lớn, có nhiều yếu tố thuận lợi. Bốn năm vận hành theo học chế tín chỉ vừa qua đã tạo đà cho sự vận hành cả quá trình chuyển đổi. Những kinh  nghiệm của bước đi ban đầu rất hữu ích cho việc triển khai giai đoạn tiếp theo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia đã có những chỉ đạo đồng bộ hơn về vấn đề chuyển đổi phương thức đào tạo. Đào tạo theo tín chỉ là xu hương có tính tất yếu và phù hợp với xu hướng quốc tế hóa và đổi mới quản lý đào tạo hiện nay. Tuy nhiên, trong vận hội lớn đó, những khó khăn thách thức cũng đặt ra không phải ít. Chúng tôi xin nêu và phân tích mấy khó khăn thách thức tiêu biểu sau đây:
- Thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề con người, vấn đề cán bộ. Triển khai tín chỉ theo chiều sâu tức diễn ra chủ yếu ở phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kiểm tra đánh giá và hướng dẫn tự học tự nghiên cứu. Trong đào tạo theo tín chỉ, giảng viên phải lao động gấp nhiều lần trước đây, sinh viên cũng vậy. Nếu không có chuyển biến mạnh mẽ ở khâu phương pháp giảng dạy và đánh giá thì niềm hy vọng về vấn đề chất lượng đào tạo cao chỉ là giấc mơ đẹp. Tính tự giác, sự thành thục về công nghệ đào tạo, tính chuyên nghiệp của người giảng viên và thực hiệm nghiêm cẩn các yêu cầu của đào tạo ở người giảng viên là khâu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai đào tọa tín chỉ. Hơn nữa ở giai đoạn hai, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức việc đăng ký chọn thầy và bố trí môn học cách niên tùy theo yêu tính chất vai trò môn học để giảng viên có điều kiện nghiên cứu … sẽ là rất khó khăn nếu khâu số lượng và chất lượng cán bộ không đảm bảo. Vấn đề cán bộ và vấn đề  tài chính, đãi ngộ luôn là hai vấn đề không thể tách rời nhau. Trong tình trạng yêu cầu với  giảng viên ngày càng cao, lao động ngày càng nặng mà thu nhập không tăng, hoặc tăng không đáng kể thì vấn đề tư tưởng nảy sinh là không thể tránh khỏi. Từ nhận thức trên chúng tôi coi vấn đề cán bộ là khâu đột phá, khâu then chốt, khâu quyết định không chỉ tới vấn đề đào tạo mà còn quyết định toàn diện mọi mặt hoạt động của trường.
- Thách thức thứ 2 là vấn đề cơ sở vật chất  và công nghệ. Hiện nay,  vấn đề cơ sở vật chất là một thách thức to lớn đối vói chúng tôi, mà có lẽ đối với tất cả các đơn vị thuộc đại học Quốc gia. Vấn đề tài liệu, giáo trình, hệ thống phòng đọc và phục vụ học tập và nghiên cứu.  Một khẩu hiệu: sinh viên có thể học tập bất cứ chỗ nào, có thể tìm sách thuận tiện ở bất cứ đâu chắc còn là chuyện rất xa xôi. Hệ thống phòng học không đáp ứng được mong muốn và ngày càng eo hẹp. Các điều kiện cơ sở vật chất khác phục vụ đào tạo và quản lý đào tạo như hệ thống mạng, phần mền quản lý, cơ sở làm việc… đều đang là vấn đề gay gắt.
- Thách thức thứ 3 là hệ thống quản lý đào tạo và hệ thống quản lý sinh viên cần hiện đại hóa và chuẩn  hóa. Hệ thống quản lý đào tạo và quản lý sinh viên hiện nay tạm thời duy trì được sự vận hành. Tuy  nhiên để đảm bảo tính ổn định, bền vững và phát triển không ngừng phục vụ yêu cầu của việc chuyển đổi giai đoạn 2, hệ thống quản lý này cần phải được chuẩn hóa. Một hệ thống vận hành theo chuẩn IS 9000.2001 có lẽ là yêu cầu không thể không theo. Trong hệ thống quản lý hiện nay chúng tôi đang đứng trước mâu thuẫn cần giải quyết thỏa đáng, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán. Tập trung quản lý về các phòng ban và phân tán quản lý hoạc phân chia quyền quản lý một phần trong lĩnh vực đào tạo của các khoa, các đơn vị đào tạo. Một hệ thống vận hành theo học chế tín chỉ cần tập trung cao và công nghệ cao, nhưng nó rất dễ thành quá tải cho một vài bộ phận, trong khi ở các cấp đào tạo trực tiếp lại biến động theo hướng nhàn rỗi.
- Thách thức thứ 4 là tính chưa đồng bộ trong quản lý đào tạo tại  hệ thống lớn là Đại học Quốc gia. Hiện nay trường chúng tôi đang cố gắng vận hành ổn định theo cách riêng, nhưng tới đây, khi các trường đều cùng triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn việc đào tạo theo tín chỉ, ĐHQG sẽ cần những điều chỉnh và chỉ đạo vĩ mô hơn, khi đó hệ thống vừa vận hành của chúng tôi lại một phen điều chỉnh. Như vậy cứ điều chỉnh tiếp nối điều chỉnh, đơn vị đi trước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Thách thức thứ 5 là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo toàn thể và giải pháp cho các nhóm. Cần khẳng định lại rằng, chuyển đổi sang phương thức đào tạo tín chỉ là giải pháp tổng thể và toàn diện để đưa việc đào tạo quốc tế hóa và hiện đại hóa. Chủ trương phát triển đào tạo đẳng cấp quốc tế, đào tạo chất lượng cao của ĐHQG là chủ trương lớn, cần thiết và đúng đắn, nhưng nó đang đặt ra một mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa giải pháp tổng thể và ưu tiên nhóm. Đầu tư  cho các lớp chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế có không ít điểm mâu thuẫn với triển khai cho diện rộng. Các lớp chất lượng cao hầu như có các kế hoạch học tập áp đặt hoặc cơ hội chọn lựa ít hơn hẳn so với các lớp thường, cả chọn môn học và chọn thầy. Có hai vấn đề đặt ra cho trường XHNV trong thời gian tới là: cần đề ra giải pháp đào tạo đẳng cấp quốc tế phù hợp với trường Xã hội nhân văn và đào tạo chất lượng cao trong môi trường đào tạo theo tín chỉ.
Đương nhiên, những khó khăn thách thức còn rất nhiều, kể cả vấn đề tư tưởng và nhận thức, vấn đề chương trình đào tạo, tài chính…trong phạm vi một ý kiến phát biểu chúng tôi chỉ nêu một số vấn đề có tính nổi bật. Nếu có một ý kiến được xem là kiến nghị với Đại học Quốc gia là càng sớm càng tốt hoàn thiện các điều kiện công nghệ thông tin phục vụ quản lý đào tạo cũng như mọi hoạt động trong ĐHQG; sớm rà soát và ban hành thêm hệ thống các văn bản quản lý để tạo tính tương thông đồng bộ hơn nữa trong Đại học quốc gia, đồng thời tăng cường hơn nữa quyền chủ động và tự quyết định của các đơn vị trực thuộc trong lĩnh vực đào tạo. ( chẳng hạn trong việc điều chỉnh chương trình, quy mô đào tạo, hình thức đào tạo…). Trong tình hình việc chuyển lên cơ sở mới ở Hòa Lạc còn dài,  ĐHQG cần có giải pháp trước mắt, mang tính giao thời để không ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo hiện nay.
Trong bước chuyển đổi 4 năm qua, chúng tôi đã vượt qua khó khăn chủ yếu và trước hết nhờ nhân tố nội lực, tuy nhiên cũng ghi nhận và chuyển lời cảm ơn tới lãnh đạo Đại học Quốc gia đã tạo điều kiện về chủ trương và chỉ đạo kịp thời, các ban chức năng, đặc biệt là Ban Đào tạo đã cùng với trường chúng tôi tháo gỡ khó khăn kịp thời và giúp đỡ chúng tôi nhiều trong  suốt thời gian qua. Chúng tôi cảm ơn  các đơn vị bạn đã hỗ trợ nhiều, đặc biệt là Trường Đại học Công nghệ, trường Đại học Ngoại ngữ, Trung Tâm thông tin thư viện và các đơn vị khác đã phối hợp và trợ giúp chúng tôi.


                                                    PGS.TS Nguyễn Kim Sơn
Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học KHXH&NV



[1] Tham luận này đã trình bày tại Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ IV ngày 11 – 13/8/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét