5 thg 1, 2014

ĐÀO TẠO TÍN CHỈ VÀ VIỆC NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ ĐÀO TẠO CỦA GIẢNG VIÊN

         1. Thực chất của quá trình chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ nhìn từ góc độ vai trò, nhiệm vụ của giảng viên
Từ đào tạo niên chế chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ đối với giảng viên đại học là quá trình chuyển từ tổ hợp các hoạt động nghề nghiệp đã được định sẵn trên tất cả các phương diện (mục tiêu, kế hoạch, đối tượng) sang tổ hợp các hoạt động nghề nghiệp được xây dựng trên cơ sở sự tham gia của tất cả các bên liên quan (giảng viên, sinh viên, bộ phận phục vụ và quản lý đào tạo) với đặc trưng cơ bản trong hoạt động dạy học của giảng viên là chuyển từ vai trò truyền thụ tri thức sang vai trò điều phối một lớp môn học hoặc một môn học cụ thể.
Với vai trò mới trong đào tạo tín chỉ, giảng viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền giảng nội dung kiến thức của một môn học mà họ còn thực hiện nhiều những công việc liên quan đến quản lý, điều phối môn học hoặc lớp môn học, bao gồm:
- Kế hoạch hóa toàn bộ lộ trình giảng dạy môn học trong học kỳ để có thể thông báo cho sinh viên lộ trình đó ngay từ đầu môn học.
Đây là một điểm khác biệt quan trọng giữa đào tạo tín chỉ và đào tạo niên chế. Trước đây, trong đào tạo niên chế, sinh viên giữ một vai trò thứ yếu, thụ động đối với việc học tập của chính họ. Chuyển sang đào tạo tín chỉ, sinh viên được yêu cầu từng bước và tiến tới làm chủ hoàn toàn quá trình học tập trong mỗi học kỳ, mỗi năm học của họ. Chính vì vậy, để sinh viên có thể tự thiết kế lộ trình học tập môn học phù hợp, hướng tới đạt được mục tiêu môn học, họ cần biết rõ lộ trình tổ chức dạy học của giảng viên, những yêu cầu cụ thể của giảng viên qua các bài kiểm tra - đánh giá, thời điểm sẽ phải thực hiện các bài kiểm tra, v.v. Từ đó, sinh viên mới có thể xác định cách thức học tập môn học này phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra của môn học, những nguồn lực vật chất và phi vật chất mà họ cần đầu tư trong suốt cả môn học để đáp ứng được yêu cầu của giảng viên. Rõ ràng là, nếu sinh viên biết rõ ngay từ đầu môn học yêu cầu kiểm tra của môn học là viết tiểu luận, họ sẽ đầu tư để học môn học này khác với nếu yêu cầu của môn học là thi vấn đáp. Bên cạnh đó, kế hoạch giảng dạy môn học cũng giúp giảng viên phối hợp hiệu quả với các bộ phận phục vụ, quản lý và hỗ trợ đào tạo để các bộ phận này có thể đáp ứng kịp thời những yêu cầu của giảng viên về môn học như học liệu, sinh hoạt ngoại khóa, .v.v. 
- Hướng dẫn sinh viên cách thức tự quản lý lộ trình học tập môn học của mình.
Nhiệm vụ này của giảng viên tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi đào tạo theo hướng buộc sinh viên phải chủ động và tự chủ quá trình học tập của mình. Mục tiêu là như vậy, song không phải mọi sinh viên đều có thể thích ứng ngay với việc tự quản lý một cách hiệu quả quá trình học tập của mình, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất với thói quen đã thành nếp sâu trong giai đoạn học phổ thông là việc học do các thầy, cô giáo và cha mẹ định hướng, tổ chức và quản lý là chính. Chính vì vậy, số đông sinh viên được yêu cầu làm gì thì họ sẽ làm như vậy chứ họ không chủ động xác định nhu cầu học tập cụ thể của mình và tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó. Tuy nhiên, chuyển sang đào tạo tín chỉ, chỉ riêng việc sinh viên phải tự xác định tiến trình học của mình cũng đòi hỏi họ phải chủ động tìm kiếm thông tin về các môn học, mục tiêu môn học, yêu cầu môn học để có thể lựa chọn môn học trước, môn học sau phù hợp với khung chương trình, với thời khóa biểu được mở và với chính năng lực, sự sẵn sàng của họ đối với từng môn học.   
- Tư vấn, hỗ trợ cho sinh viên về những vấn đề liên quan đến kiến thức, kỹ năng và thái độ có trong môn học.
Để sinh viên có thể từng bước đạt được khả năng làm chủ việc học tập của họ, Vai trò tư vấn của giảng viên là không thể thiếu. Những thông tin được giới thiệu trong đề cương môn học chỉ là một phần nhỏ của môn học đã được giới thiệu bằng nhiều kênh cho sinh viên như website của nhà trường, phát tài liệu về khung chương trình đào tạo, .v.v. Việc có được những thông tin đó chưa đồng nghĩa với việc sinh viên có được quyết định chính xác để lựa chọn học môn học nào vào thời điểm nào.
Ví dụ như, rất nhiều sinh viên năm thứ hai, ngành Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn quyết định lựa chọn môn học Kỹ năng cho nhà quản lý để học ở năm thứ hai. Sau tuần học đầu tiên của môn học, giảng viên dạy môn học đó đã tư vấn cho họ nên rút môn học này và chuyển sang học vào năm thứ ba. Sở dĩ như vậy là vì, sinh viên chỉ biết rằng, môn học này chỉ yêu cầu môn tiên quyết là Khoa học quản lý đại cương mà họ đã hoàn thành rồi và họ cũng có chủ động tìm hiểu thêm về môn Kỹ năng cho nhà quản lý từ các sinh viên khóa trên trước khi đăng ký môn học này. Xong việc tư vấn của sinh viên khóa trên không thể thay thế việc tư vấn của giảng viên vì giảng viên là người hiểu rõ môn học và khung chương trình đào tạo cũng như những đặc điểm cơ bản của mỗi giai đoạn tích lũy kiến thức của sinh viên. Họ hiểu rằng, sinh viên chỉ có thể bắt đầu việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu khi họ đã tích lũy và nắm vững một khối lượng kiến thức nghề nghiệp nhất định. Bởi lẽ, khi học môn Kỹ năng cho nhà quản lý, đương nhiên giảng viên sẽ không giảng lại kỹ các phần lý thuyết nữa.
Chính vì vậy, những tư vấn của giảng viên cho sinh viên dù trong lớp học hay ngoài lớp học về việc nên học môn học này khi nào, học như thế nào để đạt hiệu quả là vô cùng có giá trị trong việc nâng cao chất lượng học tập, năng lực tự quản lý quá trình học tập của sinh để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo – điều mà rất hiếm gặp và không thấy yêu cầu như một nhiệm vụ của giảng viên trong đào tạo niên chế. Bởi lẽ, trong đào tạo niên chế, sinh viên được áp đặt sẵn lộ trình học tập, họ không cần tìm hiểu thêm vì không được phép thay đổi hay lựa chọn và giảng viên cũng không cần tư vấn thêm.  
          2. Những thay đổi trong hoạt động dạy học của giảng viên khi chuyển sang đào tạo tín chỉ
          Bảng dưới đây khái quát về sự thay đổi của một số nội dung chính trong tổ hợp hoạt động nghề nghiệp của giảng viên đại học khi chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ:
Nội dung
Niên chế
Tín chỉ
Thời khóa biểu
Có thể linh hoạt điều chỉnh (GV đổi giờ với nhau), không/ít có sự thay đổi
Không thể linh hoạt điều chỉnh, có thể có sự thay đổi (thêm lớp, hủy lớp)
Đề cương môn học
Là tài liệu nội bộ của GV, giảng viên có thể thay đổi tùy ý, ít ràng buộc GV trong mối quan hệ với SV
Là tài liệu mà GV phải công bố ngay từ đầu môn học và cam kết thực hiện với SV, nhà trường




Đối tượng
sinh
viên
Lớp sinh viên gắn với một khóa, một ngành học cụ thể
Nhiều ngành, nhiều khóa học cùng tham gia lớp học
Ổn định từ đầu đến cuối HK
Có thể thay đổi trong 2 tuần đầu HK
Nền tảng kiến thức đã học như nhau
Nền tảng kiến thức đã học không giống nhau
Quan niệm, thái độ với môn học cơ bản tương đồng
Quan niệm, thái độ với môn học không hoàn toàn tương đồng
Có sự gắn kết giữa SV với SV, thuận lợi tổ chức các hoạt động dạy học
Không/Ít có sự gắn kết giữa SV với SV, ít thuận lợi tổ chức các hoạt động dạy học
TKB giống nhau giữa các SV trong lớp, thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ SV
TKB không giống nhau giữa các SV trong lớp, không thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ SV
BCS lớp có ảnh hưởng với lớp SV, hỗ trợ tốt cho GV
BCS lớp gần như không có ảnh hưởng với lớp SV, khó hỗ trợ tốt cho GV

Phương pháp giảng dạy
Vai trò truyền thụ tri thức đã trao quyền chủ động tối đa cho GV lựa chọn PPGD. Hơn nữa, với mỗi lớp SV, GV dễ có thông tin về người học (điểm mạnh/yếu) để có sự lựa chọn PPGD phù hợp.
Vai trò điều phối lớp học buộc GV phải tăng cường các PPGD có sự tham gia của SV trong bối cảnh SV không phải lúc nào cũng có PP học tốt, nhất là PP tự học, PP làm việc nhóm, PP thuyết trình nên GV phải mất nhiều thời gian thiết kế, hỗ trợ SV, điều phối hoạt động dạy học. GV khó khăn hơn trong việc có thông tin về người học.
Kiểm tra đánh giá
Hướng vào đánh giá định kỳ sau các khối lượng học trình đã hoàn thành
Hướng vào đánh giá trong quá trình, chú trọng vào các yêu cầu tự học, đánh giá tạo động lực cho người học

Hỗ trợ sinh viên
Không thành yêu cầu bắt buộc
Là yêu cầu bắt buộc và đòi hỏi nhiều hơn bởi việc lên lớp ít đi và SV phải tự làm việc nhiều hơn nên SV cần hỗ trợ nhiều
Chủ động tiếp xúc với SV được vì dễ xác định được thời gian và có khả năng làm việc với số đông nên ít tốn công sức hơn. SV vốn có gắn kết nên dễ đồng cảm và chia sẻ các vấn đề vướng mắc, tập hợp chung để GV hỗ trợ.
Không chủ động tiếp xúc với SV được. GV chỉ chủ động về cách thức để SV tiếp xúc và thời gian nhưng không rõ khi nào nhu cầu cần hỗ trợ của SV xuất hiện vì SV có TKB khác nhau. Ít/không có khả năng làm việc với số đông nên tốn công sức hơn. SV thiếu gắn kết nên khó chia sẻ các vấn đề vướng mắc, khó tập hợp chung để GV hỗ trợ mà rời rạc, lặp lại.
          Với những thay đổi như trên, ngoài việc phải nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học (để bổ sung, cập nhật, phát triển tri thức, kỹ năng của chính giảng viên), năng lực nghiệp vụ sư phạm (để điều phối hoạt động dạy học hiệu quả), giảng viên cần coi việc nâng cao năng lực quản lý đào tạo (hiểu theo nghĩa hẹp chính là năng lực quản lý hoạt động dạy học của lớp môn học gồm cả trên giảng đường và hoạt động tự học của sinh viên).
3. Những việc giảng viên cần làm để thích ứng với quá trình chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ
Mỗi cơ sở giáo dục đại học khi chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ có thể lựa chọn các lộ trình chuyển đổi với mức độ khác nhau ở từng nội dung. Các phân tích sau đây dựa trên mô hình có đặc điểm là tổ chức đào tạo trên cơ sở có sự đăng ký môn học của sinh viên nhưng sinh viên chưa được lựa chọn giảng viên.
Bảng dưới đây phân tích các việc cần làm của giảng viên trước những thay đổi cốt lõi trong hoạt động dạy học:
Cốt lõi của thay đổi
Việc cần làm của giảng viên
Sinh viên cần biết kế hoạch tổ chức giảng dạy để họ có thể thiết kế kế hoạch học tập của bản thân

Phát triển kỹ năng Lập kế hoạch hoạt động giảng dạy (thiết kế hoạt động giảng dạy môn học trong cả kỳ)

Sinh viên làm chủ quá trình học tập, bao gồm cả việc tự xác định nhu cầu và cách thức đạt được nhu cầu học tập -> nhu cầu chủ động được tham gia vào quá trình giảng dạy trên lớp/ngoài lớp của sinh viên tăng lên
Phát triển kỹ năng Điều phối hoạt động giảng dạy, hướng dẫn hoạt động học tập trên cơ sở tiếp cận: giảng dạy có sự tham gia của sinh viên.

Sinh viên trong một lớp môn học có thể đến từ nhiều ngành học, khóa học khác nhau -> động cơ học tập, sự chủ động và mức độ hứng thú với môn học khác nhau
Phát triển kỹ năng Động viên, khích lệ sinh viên -> sinh viên suy trì được sự chủ động, hứng thú với môn học -> tăng khả năng đạt được chuẩn đầu ra của môn học

Sinh viên thể hiện nhu cầu học tập và cách thức đáp ứng nhu cầu học tập của bản thân cũng như chuẩn đầu ra của môn học một cách chủ động trong suốt quá trình học chứ không chỉ tập trung vào mục tiêu kiến thức của môn học khi có bài kiểm tra -> không thể chỉ đánh giá qua 1 hoặc 2 bài kiểm tra đơn lẻ với những câu hỏi tự luận tập trung chính vào việc đánh giá mức độ nhớ và hiểu kiến thức đã có.
Phát triển các kỹ năng Kiểm tra – đánh giá toàn diện quá trình học tập của sinh viên và những gì sinh viên đạt được trên cả khía cạnh kiến thức, kỹ năng và thái độ theo chuẩn đầu ra của môn học.
Sinh viên cần đạt được năng lực tự chủ đối với quá trình học tập của họ để ra được những quyết định chính xác về việc học tập. Tuy nhiên, năng lực này không đồng đều ở mọi sinh viên tham gia vào môn học (vì khác năm, khác khóa, khác nền tảng cơ bản). Đồng thời đào tạo tín chỉ có mục tiêu là nâng dần năng lực này của sinh viên vì thế, giảng viên cần hỗ trợ để sinh viên từng bước đạt được mục tiêu này.
Phát triển kỹ năng Tư vấn cho sinh viên
Sinh viên trong một lớp môn học có thể đến từ nhiều ngành học, khóa học khác nhau, có thời khóa biểu học khác nhau, nhu cầu và thời gian có thể tư vấn khác nhau. Hơn nữa, đặc điểm vùng miền, văn hóa học tập, động cơ học tập, mục tiêu nghề nghiệp của sinh viên cũng rất đa dạng nên nhu cầu cần trợ giúp của sinh viên có tính cá thể hóa cao, đòi hỏi sự trợ giúp gắn với từng đối tượng cụ thể.
Phát triển kỹ năng khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động giảng dạy, tư vấn nhằm giảm tải, giảm lãng phí về nội dung, thời gian làm những việc lặp lại của giảng viên. VD: sử dụng website môn học; biên soạn các sổ tay điện tử về môn học (giải đáp các thắc mắc phổ biến, lặp lại của sinh viên về môn học) -> giảng viên mất công một lần nhưng hiệu suất sử dụng được tăng lên rất nhiều; tư vấn online cho cá nhân hoặc nhóm sinh viên.
          4. Kết luận
          Khi chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ, ngoài việc phải nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiệp vụ sư phạm, nâng cao năng lực quản lý đào tạo là một yêu cầu thực, cấp thiết. Cần lưu ý rằng giữa các nội dung của năng lực nghiệp vụ sư phạm với các nội dung của năng lực quản lý đào tạo dường như có sự giao thoa nhưng thực chất là tiếp cận từ góc độ khác nhau sẽ đưa đến những đòi hỏi khác nhau về năng lực của giảng viên.
          Nếu việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra – đánh giá thuộc phạm vi năng lực nghiệp vụ sư phạm thực chất là quá trình tiếp nhận, chuyển hóa các kiến thức, kỹ năng mới về phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra – đánh giá để giảng viên có thể áp dụng vào hoạt động dạy học của mình thì từ góc độ của năng lực quản lý đào tạo, giảng viên phải xem xét khả năng áp dụng các phương pháp mới ấy trong bối cảnh đào tạo cụ thể của nhà trường, của lớp môn học, của đặc điểm sinh viên ở từng thời kỳ cụ thể để xác định rõ những điều kiện cần có từ phía nhà trường, từ phía sinh viên thì mới áp dụng thành công các phương pháp mới.
          Quá trình đó không chỉ đòi hỏi giảng viên phải nắm vững quy chế đào tạo, các quy định cụ thể của nhà trường mà còn phải điều phối toàn bộ các nguồn lực cá nhân, nguồn lực bên ngoài (gồm cả năng lực, trải nghiệm của người học) để có sự lựa chọn, phát triển, vận dụng cho phù hợp.

          Theo nghĩa ấy, việc phân định năng lực quản lý đào tạo như một yếu tố độc lập với năng lực nghiệp vụ sư phạm sẽ giúp cho việc hoạnh định chính sách của nhà trường, việc tự đào tạo của giảng viên được rõ ràng và hiệu quả hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét