5 thg 1, 2014

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo về các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

         Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu
cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập
quốc tế đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành vào ngày 04/11/2013.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về nhận thức cần quán triệt là “đổi mới căn bản và toàn diện là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo cùng các cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm việc thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục - đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương. Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả từ đầu mà phải kế thừa, phát triển những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tốt đã có, đồng thời bổ sung những quan điểm, tư tưởng mới, kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố mới. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, có tầm nhìn dài hạn, các giải pháp đồng bộ, khả thi, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp
Với quan điểm chỉ đạo trên, trong thảo luận về đổi mới nội dung, chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục đại học cần được bám sát từ thực tiễn giáo dục đại học và đồng thời, làm rõ bối cảnh của quá trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong thời gian tới trên cơ sở các nội dung liên quan trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và Luật Giáo dục đại học năm 2012. Từ nhận thức như vậy, tham luận này tập trung vào việc phân tích các đặc điểm chính của bối cảnh thực hiện nhiệm vụ đổi mới nội dung, chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục đại học; đề xuất cách tiếp cận vấn đề này trong bối cảnh phân tầng các cơ sở giáo dục đại học cùng với một số nội dung cần quan tâm khi đổi mới chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh đó, tham luận cũng đề xuất một số giải pháp cần có chính sách vĩ mô của ngành giáo dục và đào tạo để thúc đẩy quá trình đổi mới đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
 1. Bối cảnh đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đại học về các ngành khoa học xã hội và nhân văn
a) Thiếu dự báo nhu cầu, thiếu đồng bộ giữa đào tạo và tuyển dụng, giảm nguồn cung đào tạo:
          - Sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội đặt ra nhiều vấn đề bức xúc về an sinh xã hội, công bằng xã hội, đời sống tinh thần xã hội …. cần giải quyết tạo áp lực không nhỏ về nhu cầu nhân lực được đào tạo của các ngành khoa học xã hội và nhân văn nhưng chính trong bối cảnh đó lại chưa có sự đồng bộ giữa đào tạo và tuyển dụng, nhất là ở khu vực công, chưa có các cơ quan dự báo nhu cầu lao động trong khu vực này để cung cấp các đơn đặt hành cho cơ sở đào tạo và qua đó, định hướng cho người học trong việc chọn ngành nghề.
Một ví dụ nhỏ minh chứng cho thực tế này là trong khi trường đại học đào tạo theo học chế tín chỉ với cách tính điểm trung bình để xếp hạng tốt nghiệp cho sinh viên theo thang điểm 4 thì các quy định của ngành nội vụ vẫn tính theo thang điểm 10 hay ví dụ khác là việc tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội theo quyết định số 7153/QĐ-UBND, ngày 23/11/2013 với 475 chỉ tiêu cho các vị trí văn phòng – thống kê, văn hóa – xã hội nhưng trong danh mục các ngành được tuyển không hề có các ngành Lịch sử, Triết học, Chính trị học trong khi thực tế ở các cấp hành chính cao hơn lại có rất nhiều công chức đang làm việc được đào tạo từ các ngành học này.
          - Sự khác biệt về thu nhập của người lao động giữa khu vực công và khu vực tư, giữa lĩnh vực công nghệ, kinh tế, tài chính – ngân hàng với các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế - xã hội đã tác động mạnh đến động cơ chọn ngành học của thanh niên dẫn đến sự sút giảm cả về số lượng và chất lượng của người học, nhất là các ngành cơ bản của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như triết học, ngôn ngữ học, lịch sử. 
                   Thống kê số lượng đăng ký dự thi đại học từ 2007 – 2013 – ĐHKHXH&NVHN
TT
Tên ngành
2007
2008
2009
2010
2011
2012
2013
Hán Nôm
72
87
90
91
63
55
93
Lịch sử
595
606
411
405
201
198
225
Ngôn ngữ học
147
165
63
129
80
85
289
Thông tin – Thư viện
357
386
165
128
83
68
74
Triết học
247
260
120
120
75
62
79
Văn học
543
634
487
770
213
309
365
          b) Cách tổ chức giảng dạy, cách giảng dạy, cách kiểm tra – đánh giá, cách học chậm đổi mới, phần nào lạc hậu, thiếu hội nhập
          - Các trường đại học mới trong những bước đi đầu tiên của việc chuyển đổi sang học chế tín chỉ nên cách tổ chức giảng dạy dẫu có thay đổi so với lớp học truyền thống trước đây nhưng cũng chưa định hình đầy đủ một phương thức tổ chức giảng dạy mới.
Khi trao quyền cho sinh viên tự quyết định khối lượng học tập nhưng thiếu giảm sức mạnh, hiệu quả của hoạt động cố vấn học tập, của các hệ thống hỗ trợ khác dẫn đến người học không định vị được khối lượng học tập sao cho vừa sức nên hiệu quả học tập không đạt mục tiêu kỳ vọng. Mặc dù từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ và những năm qua luôn đưa vào các chương trình hành động trong lĩnh vực giáo dục đại học nhiệm vụ chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ đối với các trường đại học, cao đẳng nhưng gần như ngoài quy chế và quy định về giảng viên, xây dựng khung chương trình đào tạo… thì hàng loạt những vấn đề thiết cốt khác như chính sách xây dựng và sử dụng đội ngũ cố vấn học tập, hệ thống chuẩn kiến thức, kỹ năng để làm căn cứ chuyển đổi tín chỉ giữa các trường … vẫn chưa được đề cập đến.
          - Các chương trình giáo dục đại học được yêu cầu làm rõ chuẩn đầu ra của chương trình như một yếu tố đột phá, then chốt để gắn đào tạo với thực tiễn nhu cầu của thị trường lao động nhưng thiếu một nền tảng triết lý giáo dục trong xây dựng các chuẩn đầu ra, thiếu các bộ công cụ để quy chuẩn, lượng giá, đánh giá tính khả thi của các chuẩn đầu ra được xây dựng.
Cho đến nay, văn bản hướng dẫn xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hay của các cơ sở giáo dục đại học chỉ dừng lại ở mức hướng dẫn về quy trình xây dựng.
          - Các chương trình giáo dục đại học khoa học xã hội và nhân văn đã dần tới sự thống nhất một hệ tri thức chung, nền tảng cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn qua các môn học nhưng chưa có sự gắn kết tốt giữa chuẩn đầu ra của các môn học này với chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo khoa học xã hội và nhân văn để thúc đẩy quá trình phát huy vai trò của các tri thức nền tảng của các môn học này đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Cả hai trường đại học khoa học xã hội và nhân văn đều đưa vào chương trình đào tạo các môn học chung như Xã hội học, Tâm lý học, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Lịch sử văn minh thế giới, Các phương pháp nghiên cứu khoa học, Tôn giáo học, Logic học …. nhưng trong hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo chưa có sự quan tâm đến việc làm rõ cho người học hiểu được tính chỉnh thể của hệ thống tri thức khoa học xã hội và nhân văn và vai trò nền tảng của các môn học được kể trên với các ngành đào tạo khoa học xã hội và nhân văn.
          - Phương pháp giảng dạy của giảng viên chậm đổi mới hoặc đổi mới “nửa vời”, cá biệt còn nhận thức sai lệch dẫn đến hiệu quả giảng dạy chưa thực sự đạt hiệu quả cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Khảo sát chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của một số trường đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy một điểm chung rất lớn là hoạt động học chủ yếu diễn ra trong giảng đường, trong khuôn viên nhà trường.
Trong nhận thức về triết lý giảng dạy lấy người học làm trung tâm trong đào tạo tín chỉ có sự sai lệch đáng quan ngại khi không nhìn nhận đúng vai trò của giảng viên vừa là tổng công trình sư của toàn bộ hoạt động dạy học vừa là người chỉ đạo thi công ở hiện trường, vừa là người tư vấn – giám sát quá trình học tập của sinh viên nhất là trong bối cảnh hệ thống thư viện, học liệu số và năng lực tự học của sinh viên còn yếu đã dẫn đến chất lượng học tập không đạt kỳ vọng.
          - Phương pháp kiểm tra – đánh giá vừa gặp những khó khăn khách quan vừa còn những hạn chế chủ quan nên việc đánh giá chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy quá trình dạy học được đổi mới.
Trong bối cảnh học phí đại học công thấp, ngân sách còn hạn hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu, chính sách trợ giảng chưa có, giảng viên phải giảng dạy nhiều môn chung nên các trường không tổ chức được các lớp học có quy mô nhỏ và điều đó là trở lực khách quan cho quá trình áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực.
Hoạt động kiểm tra – đánh giá chủ yếu sử dụng các phương pháp truyền thống (thi tự luận) hướng nhiều vào đánh giá mức độ hiểu, sử dụng kiến thức, thiếu hoặc yếu các hoạt động kiểm tra – đánh giá đo lường được năng lực của người học (đánh giá qua dự án, sản phẩm, nhật ký học tập ....). Một số hình thức kiểm tra – đánh giá như trắc nghiệm khách quan thì chưa có được ngân hàng câu hỏi có chất lượng tốt hay làm tiểu luận thì còn thiếu các công cụ kiểm soát tình trạng đạo văn …
           2. Nguyên tắc tiếp cận vấn đề đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đại học các ngành khoa học xã hội và nhân văn
          Tại điều 9, khoản 4, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã phân tầng các cơ sở giáo dục đại học được phân tầng thành:
- Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu;
- Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng;
- Cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.
Với sự phân tầng các cơ sở giáo dục đại học như trên, việc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đại học trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng cần có sự phân biệt giữa các trường đại học định hướng nghiên cứu với các trường đại học còn lại.
Có một thực tế là hiện nay nhiều đại học địa phương đang tích cực tham gia đào tạo một số ngành khoa học xã hội và nhân văn như Công tác xã hội, Việt Nam học, Xã hội học, Văn hóa học …. nhưng chương trình đào tạo thì cơ bản giống nhau trên cơ sở chương trình đào tạo của một số đại học lớn, có truyền thống đào tạo các ngành học này.
Với sự phân tầng các cơ sở giáo dục đại học với định hướng sứ mệnh rõ ràng như Luật Giáo dục đại học đã quy định thì vấn đề đặt ra là cần có nguyên tắc cho việc đổi mới nội dung chương trình giáo dục đại học các ngành khoa học xã hội và nhân văn được tổ chức đào tạo ở các nhóm cơ sở giáo dục đại học khác nhau.
Các đại học định hướng nghiên cứu có tiềm lực và quan trọng là có sứ mệnh hướng đến đặc tính nghiên cứu trong sản phẩm đầu ra của các chương trình đào tạo nhiều hơn so với các trường đại học khác nên ngay từ kiến thức chung cho đến kiến thức khối ngành và kiến thức ngành cũng cần tính đến việc tăng cường trang bị các cơ sở lý thuyết khác nhau của mỗi ngành để người học có cơ hội được phát triển tư duy phản biện trong quá trình đào tạo – tiền đề quan trọng để thúc đẩy đặc tính nghiên cứu của sản phẩm đào tạo.
Các đại học định hướng thực hành/ứng dụng tại các địa phương cần xem xét việc bổ sung kiến thức lịch sử - văn hóa – xã hội cũng như địa kinh tế của địa phương đó và lân cận để tăng cường tính thực nghiệp và hiệu quả làm việc của người học sau tốt nghiệp.
Đây là quan điểm có tính nguyên tắc khi đề cập đến việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam trong thời gian tới và cần được thể chế hóa trong hướng dẫn xây dựng các chương trình đào tạo đại học để đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy định của Luật Giáo dục đại học trong quá trình thực hiện và thực sự thúc đẩy sự đổi mới chương trình đào tạo gắn với mô hình năng lực của người học sau khi tốt nghiệp.
         3.  Một số đề xuất cụ thể về đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đại học các ngành khoa học xã hội và nhân văn
          a) Về thời lượng của chương trình đào tạo
          Cần tránh tình trạng cảm tính khi đánh giá về thời lượng của các chương trình đào tạo khoa học xã hội và nhân văn.
          Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI nhấn mạnh yêu cầu “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” nhưng cần hiểu đúng quan điểm này không phải là rút giảm thời lượng lý thuyết, lý luận cần trang bị cho người học để rồi cho rằng phải giảm thời lượng chương trình đào tạo.
          Các chương trình hiện nay chủ yếu ở khoảng 130 tín chỉ, trong đó các môn học có 13 đến 17 tín chỉ là ngoại ngữ và tin học cơ sở. Do giáo dục phổ thông chưa làm tốt việc dạy ngoại ngữ và tin học cơ sở cho học sinh, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi cung cấp nguồn đầu vào chủ yếu cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện nay - nên chương trình giáo dục đại học phải tiếp tục giữ thời lượng này để rút ngắn sự bất cập của sinh viên tốt nghiệp về các kỹ năng này (nhất là ngoại ngữ). Vì thế, toàn bộ thời lượng kiến thức chỉ còn khoảng 113 đến 117 tín chỉ và đây là thời lượng phổ biến của các chương trình giáo dục đại học khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới. Nếu rút giảm thời lượng hơn nữa trong khi điều kiện đào tạo (học liệu, cơ sở vật chất) và phương pháp dạy học chưa đổi mới kịp thời thì không chỉ yếu về chất mà còn thiếu về lượng trong năng lực của sinh viên tốt nghiệp.
          b) Về giảng dạy các môn lý luận chính trị
          Cần đánh giá toàn diện việc tổ chức lại các môn lý luận chính trị được áp dụng từ năm 2008 đến nay (với các môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam) bên cạnh việc đánh giá hiệu quả giảng dạy các môn học này.
          Sứ mệnh của các các môn học này trước hết phải trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận cho người học, nhất là với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Bài học của giáo dục phổ thông khi đưa nội dung triết học vào giảng dạy trong chương trình giáo dục công dân đã không thực hiện được kỳ vọng của mục tiêu này mà còn làm cho học sinh có thái độ không đúng với các môn học lý luận chính trị.
          Điều chỉnh nội dung của từng môn học, điều chỉnh cách dạy và cách kiểm tra – đánh giá là vấn đề bức thiết cần đặt ra. Đồng thời, không chỉ đầu tư cho việc xây dựng các  giáo trình chuẩn quốc gia của các môn học này mà quan trọng là các tài liệu hướng dẫn học tập môn học mà nội dung không phải là dạng tài liệu hỏi – đáp các câu hỏi ôn tập mà cần là việc đưa các tình huống thực tiễn trong đời sống kinh tế - xã hội để người học vừa tiếp cận với cách thức vận dụng các tri thức của các môn lý luận chính trị vào những vấn đề thực tiễn vừa cập nhật được thực tiễn sinh động của xã hội và con người. Đó chính là con đường tạo ra tính thực tiễn của môn học và tăng hứng thú của người học và tạo dựng năng lực thực nghiệp cho sinh viên.
          Bên cạnh đó, cần có sự khảo sát để đánh giá đúng thời điểm giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong đào tạo đại học. Hầu hết các trường tổ chức giảng dạy các môn học này ngay từ học kỳ đầu tiên của khóa học trong khi sinh viên ở phổ thông quen với cách học thụ động và năng lực tư duy trừu tượng chưa tốt nên đã khó tiếp thu hiệu quả nội dung môn học. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG Hà Nội đã cho rằng đến những năm cuối của khóa học, họ mới thực sự hiểu được những nội dung của các môn lý luận chính trị được học từ năm đầu.
          c) Về tổ chức các môn học chung của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
Như đã nêu ở mục 1, phần b), các môn học này trong chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện nay đã có sự thống nhất tương đối cao giữa các trung tâm đào tạo lớn về các ngành khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.
Tuy nhiên, điểm yếu của việc thiết kế chương trình và tổ chức giảng dạy chính là không làm rõ được vị trí, vai trò của các môn học này với kiến thức ngành của mỗi ngành khoa học xã hội và nhân văn. Điểm yếu này không chỉ thể hiện ra sự thiếu vắng các luận giải có tính lý luận trong hướng dẫn thực hiện các chương trình đào tạo (điều này là điểm yếu chung của các chương trình giáo dục đại học nên tình trạng giảng viên dạy môn học của mình mà không liên nối được với các kiến thức ngành khá phổ biến) mà còn trong việc tổ chức thực hiện các môn học trong chương trình đào tạo thông qua việc xác lập tiến trình đào tạo bằng các quan hệ tiên quyết – kế tiếp và học trước – học sau.
Nhiều chương trình đào tạo đã loại bỏ mối quan hệ tiên quyết – kế tiếp không hợp lý giữa các môn học chung của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các môn học của ngành là cần thiết nhưng lại không xác lập được mối quan hệ học trước – học sau dẫn đến tình trạng sinh viên học không đúng với logic nội tại của hệ tri thức khoa học xã hội và nhân văn, nhất là khi đào tạo theo tín chỉ thì tình trạng này lại không kiểm soát được. Đó là chưa kể khi thiếu việc thể chế hóa các nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống của tri thức khoa học xã hội và nhân văn này trong quy chế đào tạo thì trong bối cảnh không phải khi nào các trường đào tạo cũng có đủ giảng viên vào thời điểm cần tổ chức giảng dạy nên tình trạng mở lớp cũng không đáp ứng yêu cầu này chứ không chỉ tình trạng bất cập của người học đăng ký học như nêu trên.
Rõ ràng, đây là các nguyên tắc xuất phát từ nội dung học thuật, thuộc về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học nhưng khi mà những điểm yếu cả khách quan, chủ quan còn tồn tại như phân tích ở trên thì việc cần thể chế hóa trong các quy định, hướng dẫn xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo là hết sức cần thiết ở giai đoạn hiện nay.
4. Một số giải pháp chính sách để thúc đẩy quá trình đối mới nội dung, chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn
4.1 Từ Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI đến khi nào chúng ta thực hiện được, đạt được sự đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn để vừa thực hiện đúng với nội dung của Nghị quyết, vừa sát với thực tiễn đào tạo, vừa phù hợp với trình độ phát triển của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn? Đây là câu hỏi cần có sự trả lời ngay từ những bước đi đầu tiên triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, có các vấn đề sau chúng ta cần xem xét về phương diện chính sách để triển khai:
- Xây dựng khung năng lực của người học các ngành khoa học xã hội và nhân văn để từ đó định hướng mục tiêu cho từng nội dung, từng bước đi trong quá trình đổi mới đào tạo.
- Xây dựng hệ thống chỉ số và dữ liệu tương ứng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục đại học.
- Xây dựng hệ thống giáo trình của các môn học nền tảng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với mục tiêu đổi mới theo hướng tập trung phát triển năng lực của người học.
Tất nhiên có nhiều vấn đề cần quan tâm nhưng việc đề xuất 3 vấn đề trên bởi đó là cốt lõi của việc xác định mục tiêu, của việc hiểu hiện thực đào tạo, của một nội dung quan trọng trong nguồn lực đào tạo.
4.2 Về khung năng lực của người học các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã có nhiều thảo luận, phân tích từ các tiếp cận khác nhau nhưng đều hướng đến cách tiếp cận năng lực nhằm tăng cường định hướng nghiên cứu, thực hành trong đào tạo chuyên nghiệp; thúc đẩy khả năng làm việc độc lập của người học để hình thành năng lực giải quyết tình huống trước các vấn đề xã hội và chuyên môn trong thực tế.
Các nhóm năng lực được đề cập đến trong cấu trúc năng lực của người học đượcc đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn bao gồm:
- Nhóm năng lực học tập, bao gồm kiến thức và kỹ năng cho các ngành, kỹ năng và khả năng học tập;
- Nhóm năng lực xã hội và cá nhân, bao gồm cả giá trị văn hóa, kiến ​​thức về tư tưởng, giá trị đạo đức của xã hội và nhà nước và khả năng theo đuổi các giá trị đó.
- Nhóm năng lực chuyên môn, bao gồm kiến thức và kỹ năng để giải quyết các vấn đề, xây dựng kế hoạch và đảm bảo thực hiện kế hoạch đó trong các lĩnh vực chuyên môn được lựa chọn.
Nhìn vào các nhóm năng lực trên, có thể nhận thấy chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn đều có đề cập đến nhưng rõ ràng là thiếu các tiêu chí để đánh giá chương trình đào tạo được thiết kế như thế nào là đủ để hình thành các nhóm năng lực đó; đồng thời, chưa có các quy chuẩn để giám sát, đánh giá quá trình hiện thực hóa các nhóm năng lực đó trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo tới các môn học của chương trình đào tạo. Cho đến nay, các quy định, hướng dẫn của ngành giáo dục và đào tạo mới chỉ dừng ở quy trình xây dựng (chứ chưa hướng vào tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng xây dựng) chương trình chứ chưa đề cập đến các môn học – tế bào của mỗi chương trình đào tạo.
Đây là vấn đề cần sớm có đánh giá sâu hơn, rà soát trên diện rộng quá trình chuyển đổi chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian qua để có cái nhìn tổng thể và từ đó đề xuất các chính sách thúc đẩy các biện pháp đổi mới chương trình đào tạo mà không chỉ dừng lại ở khung chương trình, thiết kế môn học mà còn tập trung vào các vấn đề tổ chức đào tạo, phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra – đánh giá.
Muốn làm được điều đó, liên ngành giáo dục và đào tạo cùng lao động, nội vụ cần có thảo luận sớm để có hệ thống chuẩn nghề nghiệp được cập nhật và hướng mạnh đến yếu tố thực nghiệp và hội nhập quốc tế.
4.3 Khi đề xuất giải pháp nêu ở mục 4.2 cũng như chính trong quá trình chuẩn bị tham luận này, có một vấn đề đặt ra là chúng ta thiếu vắng hệ thống dữ liệu về các chỉ số khoa học xã hội và nhân văn.
Chỉ số khoa học xã hội và nhân văn được đề xuất ở đây với cách hiệu là dữ liệu nguyên gốc về các yếu tố xã hội và nhân văn trong từng lĩnh vực xã hội cũng như trong giáo dục đại học.
Chúng ta có thể tham khảo mô hình xây dựng bộ chỉ số này của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ (The American Academy of Arts & Sciences - http://www.humanitiesindicators.org/).
Tổ chức này đã dành 2 năm (1998 – 2000) để xác định xem những chỉ số nhân văn (humanities indicators) nào cần được đo lường trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp độ giáo dục (từ phổ thông đến đại học) và dành 10 năm để khảo sát ở 1400 khoa/bộ môn có đào tạo các ngành nhân văn với khóa học là 4 năm của Hoa Kỳ để đến 2010 công bố bộ chỉ số này.
Trong các bộ chỉ số đó, với giáo dục đại học ở trình độ đại học, tổ chức này đã thống kê dữ liệu theo các chỉ số sau:
1. Số lượng văn bằng khoa học nhân văn
2. Phân bổ theo ngành của số văn bằng khoa học nhân văn đã cấp
3. Phân bổ theo cơ sở đào tạo của số văn bằng khoa học nhân văn đã cấp
4. Phân bổ theo chủng tộc/dân tộc của số văn bằng khoa học nhân văn đã cấp
5. Phân bổ theo giới của số văn bằng khoa học nhân văn đã cấp
6. Các khóa học đại học được đăng ký học thường xuyên nhất
7. Số lượng đăng ký các môn học không bằng tiếng Anh
8. Điểm số của sinh viên khoa học nhân văn trong các kỳ thi tốt nghiệp
9. Điểm số kiểm tra các chủ đề văn học bằng tiếng Anh theo chuẩn GRE
                            (http://www.humanitiesindicators.org/content/hrcoII.aspx)
Rõ ràng là chỉ với 9 chỉ số trên, các bên liên quan tùy góc độ tiếp cận và mối quan tâm khác nhau có thể thấy được rất nhiều khía cạnh của thực tại đào tạo các ngành nhân văn của Hoa Kỳ từ số lượng đầu ra đến số cơ sở đào tạo, cơ cấu dân tộc và giới tính của những người đã được cấp bằng cho đến những khóa học nào được sinh viên chọn học nhiều nhất (cũng là xu hướng của nhu cầu tri thức mà người học lựa chọn)…. 
Tất nhiên, chọn chỉ số nào để tập hợp dữ liệu mà chúng ta cần thì đó là việc của chúng ta nhưng việc có các cơ sở dữ liệu này là nhu cầu thiết cốt mà chúng ta cần làm. Nhấn mạnh rằng 10 năm với 1400 mẫu khảo sát như vậy để có bộ chỉ số chính là
điều làm chúng ta thấy rõ được giá trị khoa học và thực tiễn của cách làm này.
4.4 Với giáo trình của các môn học chung, nền tảng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như đã đề cập trong tham luận này, có một thực tế là tất cả các môn học đều có giáo trình, thậm chí là nhiều giáo trình khác nhau và nhiều học liệu tham khảo kèm theo nữa. Tuy nhiên, hoặc là giáo trình được biên soạn đã lâu hoặc là giáo trình được dịch thuật/biên dịch từ giáo trình nước ngoài nhưng điều quan trọng là các giáo trình đó chưa được biên soạn phù hợp với định hướng mục tiêu đào tạo hướng đến năng lực của người học.
Vậy giáo trình biên soạn phù hợp với định hướng mục tiêu đào tạo này khác gì với giáo trình hiện tại? Ngoài giáo trình còn có những học liệu nào? Việc sử dụng các giáo trình này ra sao? Đó là vấn đề thứ nhất cần xem xét.
Vấn đề thứ hai là phát triển giáo trình như thế nào? Có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề giáo trình trong giáo dục đại học. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần có bộ/hệ thống giáo trình chung/ưu tú/chuẩn để định dạng khung kiến thức, kỹ năng của môn học. Luồng ý kiến thứ hai nhấn mạnh đến bộ học liệu môn học chứ không phải chỉ có giáo trình bởi giáo trình là những tri thức cốt lõi nhất, ổn định nhất của hệ thống tri thức khoa học mà môn học đó đề cập chứ không phải là tất cả những tri thức của hệ thống đó. Thực chất, của vấn đề thứ hai là hai luồng ý kiến đó cần được thống nhất trong một chỉnh thể. Không thể dừng lại ở bộ học liệu của môn học mà xem nhẹ giáo trình. Điều quan trọng là sự định dạng tri thức của giáo trình ở lĩnh vực của môn học đó tồn tại trong sự đa dạng của toàn diện các tri thức của bộ học liệu như thế nào để phát triển năng lực của người học.
Đơn cử, hiện nay chúng ta biên soạn giáo trình chuẩn về các môn khoa học Mác – Lênin và cùng với giáo trình thì có các tài liệu dạng hỏi – đáp của các môn học này. Vậy tại sao hiệu quả tiếp thu của người học lại thấp như đánh giá của chính đội ngũ giảng viên các môn học này? Các giáo trình hiện nay thiếu vắng các phân tích tình huống (case study), hay nói rộng ra là thiếu vắng tư liệu thực tế được trình bày như một phần cấu thành nội dung kiến thức của môn học (chứ không phải chỉ để minh họa). Các giảng viên cũng không có cơ hội để đề cập đến tình huống thực tế bởi thời gian giảng dạy trên lớp rất ít nhưng khi ngoài giờ học, sinh viên tự học cũng chỉ có cuốn giáo trình và tài liệu hỏi – đáp như hiện nay mà không có tài liệu hướng dẫn học tập (study guide) như rất nhiều trường đại học quốc tế đã áp dụng thành truyền thống.
Cho nên, vấn đề giáo trình không phải là không có mà là có sao cho đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học như Nghị quyết Trung ương 8 đề ra. Đó là thách thức và không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng có thể làm tốt được công việc đó. Chính vì vậy, đề xuất về chính sách phát triển hệ thống giáo trình các môn học nền tảng cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn không chỉ là cung cấp nguồn lực quan trọng để thực thi mục tiêu đổi mới mà còn tạo mẫu, rút kinh nghiệm cho giáo trình các môn học ở các khối kiến thức ngành cũng như khắc phục được tình trạng phải đầu tư tràn lan (do cơ sở nào cũng làm) mà không đạt được chất lượng tốt. Thời điểm này, chúng ta cần có chính sách quốc gia cho công việc này.
 ------------

ĐÀO TẠO TÍN CHỈ VÀ VIỆC NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ ĐÀO TẠO CỦA GIẢNG VIÊN

         1. Thực chất của quá trình chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ nhìn từ góc độ vai trò, nhiệm vụ của giảng viên
Từ đào tạo niên chế chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ đối với giảng viên đại học là quá trình chuyển từ tổ hợp các hoạt động nghề nghiệp đã được định sẵn trên tất cả các phương diện (mục tiêu, kế hoạch, đối tượng) sang tổ hợp các hoạt động nghề nghiệp được xây dựng trên cơ sở sự tham gia của tất cả các bên liên quan (giảng viên, sinh viên, bộ phận phục vụ và quản lý đào tạo) với đặc trưng cơ bản trong hoạt động dạy học của giảng viên là chuyển từ vai trò truyền thụ tri thức sang vai trò điều phối một lớp môn học hoặc một môn học cụ thể.
Với vai trò mới trong đào tạo tín chỉ, giảng viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền giảng nội dung kiến thức của một môn học mà họ còn thực hiện nhiều những công việc liên quan đến quản lý, điều phối môn học hoặc lớp môn học, bao gồm:
- Kế hoạch hóa toàn bộ lộ trình giảng dạy môn học trong học kỳ để có thể thông báo cho sinh viên lộ trình đó ngay từ đầu môn học.
Đây là một điểm khác biệt quan trọng giữa đào tạo tín chỉ và đào tạo niên chế. Trước đây, trong đào tạo niên chế, sinh viên giữ một vai trò thứ yếu, thụ động đối với việc học tập của chính họ. Chuyển sang đào tạo tín chỉ, sinh viên được yêu cầu từng bước và tiến tới làm chủ hoàn toàn quá trình học tập trong mỗi học kỳ, mỗi năm học của họ. Chính vì vậy, để sinh viên có thể tự thiết kế lộ trình học tập môn học phù hợp, hướng tới đạt được mục tiêu môn học, họ cần biết rõ lộ trình tổ chức dạy học của giảng viên, những yêu cầu cụ thể của giảng viên qua các bài kiểm tra - đánh giá, thời điểm sẽ phải thực hiện các bài kiểm tra, v.v. Từ đó, sinh viên mới có thể xác định cách thức học tập môn học này phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra của môn học, những nguồn lực vật chất và phi vật chất mà họ cần đầu tư trong suốt cả môn học để đáp ứng được yêu cầu của giảng viên. Rõ ràng là, nếu sinh viên biết rõ ngay từ đầu môn học yêu cầu kiểm tra của môn học là viết tiểu luận, họ sẽ đầu tư để học môn học này khác với nếu yêu cầu của môn học là thi vấn đáp. Bên cạnh đó, kế hoạch giảng dạy môn học cũng giúp giảng viên phối hợp hiệu quả với các bộ phận phục vụ, quản lý và hỗ trợ đào tạo để các bộ phận này có thể đáp ứng kịp thời những yêu cầu của giảng viên về môn học như học liệu, sinh hoạt ngoại khóa, .v.v. 
- Hướng dẫn sinh viên cách thức tự quản lý lộ trình học tập môn học của mình.
Nhiệm vụ này của giảng viên tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi đào tạo theo hướng buộc sinh viên phải chủ động và tự chủ quá trình học tập của mình. Mục tiêu là như vậy, song không phải mọi sinh viên đều có thể thích ứng ngay với việc tự quản lý một cách hiệu quả quá trình học tập của mình, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất với thói quen đã thành nếp sâu trong giai đoạn học phổ thông là việc học do các thầy, cô giáo và cha mẹ định hướng, tổ chức và quản lý là chính. Chính vì vậy, số đông sinh viên được yêu cầu làm gì thì họ sẽ làm như vậy chứ họ không chủ động xác định nhu cầu học tập cụ thể của mình và tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó. Tuy nhiên, chuyển sang đào tạo tín chỉ, chỉ riêng việc sinh viên phải tự xác định tiến trình học của mình cũng đòi hỏi họ phải chủ động tìm kiếm thông tin về các môn học, mục tiêu môn học, yêu cầu môn học để có thể lựa chọn môn học trước, môn học sau phù hợp với khung chương trình, với thời khóa biểu được mở và với chính năng lực, sự sẵn sàng của họ đối với từng môn học.   
- Tư vấn, hỗ trợ cho sinh viên về những vấn đề liên quan đến kiến thức, kỹ năng và thái độ có trong môn học.
Để sinh viên có thể từng bước đạt được khả năng làm chủ việc học tập của họ, Vai trò tư vấn của giảng viên là không thể thiếu. Những thông tin được giới thiệu trong đề cương môn học chỉ là một phần nhỏ của môn học đã được giới thiệu bằng nhiều kênh cho sinh viên như website của nhà trường, phát tài liệu về khung chương trình đào tạo, .v.v. Việc có được những thông tin đó chưa đồng nghĩa với việc sinh viên có được quyết định chính xác để lựa chọn học môn học nào vào thời điểm nào.
Ví dụ như, rất nhiều sinh viên năm thứ hai, ngành Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn quyết định lựa chọn môn học Kỹ năng cho nhà quản lý để học ở năm thứ hai. Sau tuần học đầu tiên của môn học, giảng viên dạy môn học đó đã tư vấn cho họ nên rút môn học này và chuyển sang học vào năm thứ ba. Sở dĩ như vậy là vì, sinh viên chỉ biết rằng, môn học này chỉ yêu cầu môn tiên quyết là Khoa học quản lý đại cương mà họ đã hoàn thành rồi và họ cũng có chủ động tìm hiểu thêm về môn Kỹ năng cho nhà quản lý từ các sinh viên khóa trên trước khi đăng ký môn học này. Xong việc tư vấn của sinh viên khóa trên không thể thay thế việc tư vấn của giảng viên vì giảng viên là người hiểu rõ môn học và khung chương trình đào tạo cũng như những đặc điểm cơ bản của mỗi giai đoạn tích lũy kiến thức của sinh viên. Họ hiểu rằng, sinh viên chỉ có thể bắt đầu việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu khi họ đã tích lũy và nắm vững một khối lượng kiến thức nghề nghiệp nhất định. Bởi lẽ, khi học môn Kỹ năng cho nhà quản lý, đương nhiên giảng viên sẽ không giảng lại kỹ các phần lý thuyết nữa.
Chính vì vậy, những tư vấn của giảng viên cho sinh viên dù trong lớp học hay ngoài lớp học về việc nên học môn học này khi nào, học như thế nào để đạt hiệu quả là vô cùng có giá trị trong việc nâng cao chất lượng học tập, năng lực tự quản lý quá trình học tập của sinh để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo – điều mà rất hiếm gặp và không thấy yêu cầu như một nhiệm vụ của giảng viên trong đào tạo niên chế. Bởi lẽ, trong đào tạo niên chế, sinh viên được áp đặt sẵn lộ trình học tập, họ không cần tìm hiểu thêm vì không được phép thay đổi hay lựa chọn và giảng viên cũng không cần tư vấn thêm.  
          2. Những thay đổi trong hoạt động dạy học của giảng viên khi chuyển sang đào tạo tín chỉ
          Bảng dưới đây khái quát về sự thay đổi của một số nội dung chính trong tổ hợp hoạt động nghề nghiệp của giảng viên đại học khi chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ:
Nội dung
Niên chế
Tín chỉ
Thời khóa biểu
Có thể linh hoạt điều chỉnh (GV đổi giờ với nhau), không/ít có sự thay đổi
Không thể linh hoạt điều chỉnh, có thể có sự thay đổi (thêm lớp, hủy lớp)
Đề cương môn học
Là tài liệu nội bộ của GV, giảng viên có thể thay đổi tùy ý, ít ràng buộc GV trong mối quan hệ với SV
Là tài liệu mà GV phải công bố ngay từ đầu môn học và cam kết thực hiện với SV, nhà trường




Đối tượng
sinh
viên
Lớp sinh viên gắn với một khóa, một ngành học cụ thể
Nhiều ngành, nhiều khóa học cùng tham gia lớp học
Ổn định từ đầu đến cuối HK
Có thể thay đổi trong 2 tuần đầu HK
Nền tảng kiến thức đã học như nhau
Nền tảng kiến thức đã học không giống nhau
Quan niệm, thái độ với môn học cơ bản tương đồng
Quan niệm, thái độ với môn học không hoàn toàn tương đồng
Có sự gắn kết giữa SV với SV, thuận lợi tổ chức các hoạt động dạy học
Không/Ít có sự gắn kết giữa SV với SV, ít thuận lợi tổ chức các hoạt động dạy học
TKB giống nhau giữa các SV trong lớp, thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ SV
TKB không giống nhau giữa các SV trong lớp, không thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ SV
BCS lớp có ảnh hưởng với lớp SV, hỗ trợ tốt cho GV
BCS lớp gần như không có ảnh hưởng với lớp SV, khó hỗ trợ tốt cho GV

Phương pháp giảng dạy
Vai trò truyền thụ tri thức đã trao quyền chủ động tối đa cho GV lựa chọn PPGD. Hơn nữa, với mỗi lớp SV, GV dễ có thông tin về người học (điểm mạnh/yếu) để có sự lựa chọn PPGD phù hợp.
Vai trò điều phối lớp học buộc GV phải tăng cường các PPGD có sự tham gia của SV trong bối cảnh SV không phải lúc nào cũng có PP học tốt, nhất là PP tự học, PP làm việc nhóm, PP thuyết trình nên GV phải mất nhiều thời gian thiết kế, hỗ trợ SV, điều phối hoạt động dạy học. GV khó khăn hơn trong việc có thông tin về người học.
Kiểm tra đánh giá
Hướng vào đánh giá định kỳ sau các khối lượng học trình đã hoàn thành
Hướng vào đánh giá trong quá trình, chú trọng vào các yêu cầu tự học, đánh giá tạo động lực cho người học

Hỗ trợ sinh viên
Không thành yêu cầu bắt buộc
Là yêu cầu bắt buộc và đòi hỏi nhiều hơn bởi việc lên lớp ít đi và SV phải tự làm việc nhiều hơn nên SV cần hỗ trợ nhiều
Chủ động tiếp xúc với SV được vì dễ xác định được thời gian và có khả năng làm việc với số đông nên ít tốn công sức hơn. SV vốn có gắn kết nên dễ đồng cảm và chia sẻ các vấn đề vướng mắc, tập hợp chung để GV hỗ trợ.
Không chủ động tiếp xúc với SV được. GV chỉ chủ động về cách thức để SV tiếp xúc và thời gian nhưng không rõ khi nào nhu cầu cần hỗ trợ của SV xuất hiện vì SV có TKB khác nhau. Ít/không có khả năng làm việc với số đông nên tốn công sức hơn. SV thiếu gắn kết nên khó chia sẻ các vấn đề vướng mắc, khó tập hợp chung để GV hỗ trợ mà rời rạc, lặp lại.
          Với những thay đổi như trên, ngoài việc phải nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học (để bổ sung, cập nhật, phát triển tri thức, kỹ năng của chính giảng viên), năng lực nghiệp vụ sư phạm (để điều phối hoạt động dạy học hiệu quả), giảng viên cần coi việc nâng cao năng lực quản lý đào tạo (hiểu theo nghĩa hẹp chính là năng lực quản lý hoạt động dạy học của lớp môn học gồm cả trên giảng đường và hoạt động tự học của sinh viên).
3. Những việc giảng viên cần làm để thích ứng với quá trình chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ
Mỗi cơ sở giáo dục đại học khi chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ có thể lựa chọn các lộ trình chuyển đổi với mức độ khác nhau ở từng nội dung. Các phân tích sau đây dựa trên mô hình có đặc điểm là tổ chức đào tạo trên cơ sở có sự đăng ký môn học của sinh viên nhưng sinh viên chưa được lựa chọn giảng viên.
Bảng dưới đây phân tích các việc cần làm của giảng viên trước những thay đổi cốt lõi trong hoạt động dạy học:
Cốt lõi của thay đổi
Việc cần làm của giảng viên
Sinh viên cần biết kế hoạch tổ chức giảng dạy để họ có thể thiết kế kế hoạch học tập của bản thân

Phát triển kỹ năng Lập kế hoạch hoạt động giảng dạy (thiết kế hoạt động giảng dạy môn học trong cả kỳ)

Sinh viên làm chủ quá trình học tập, bao gồm cả việc tự xác định nhu cầu và cách thức đạt được nhu cầu học tập -> nhu cầu chủ động được tham gia vào quá trình giảng dạy trên lớp/ngoài lớp của sinh viên tăng lên
Phát triển kỹ năng Điều phối hoạt động giảng dạy, hướng dẫn hoạt động học tập trên cơ sở tiếp cận: giảng dạy có sự tham gia của sinh viên.

Sinh viên trong một lớp môn học có thể đến từ nhiều ngành học, khóa học khác nhau -> động cơ học tập, sự chủ động và mức độ hứng thú với môn học khác nhau
Phát triển kỹ năng Động viên, khích lệ sinh viên -> sinh viên suy trì được sự chủ động, hứng thú với môn học -> tăng khả năng đạt được chuẩn đầu ra của môn học

Sinh viên thể hiện nhu cầu học tập và cách thức đáp ứng nhu cầu học tập của bản thân cũng như chuẩn đầu ra của môn học một cách chủ động trong suốt quá trình học chứ không chỉ tập trung vào mục tiêu kiến thức của môn học khi có bài kiểm tra -> không thể chỉ đánh giá qua 1 hoặc 2 bài kiểm tra đơn lẻ với những câu hỏi tự luận tập trung chính vào việc đánh giá mức độ nhớ và hiểu kiến thức đã có.
Phát triển các kỹ năng Kiểm tra – đánh giá toàn diện quá trình học tập của sinh viên và những gì sinh viên đạt được trên cả khía cạnh kiến thức, kỹ năng và thái độ theo chuẩn đầu ra của môn học.
Sinh viên cần đạt được năng lực tự chủ đối với quá trình học tập của họ để ra được những quyết định chính xác về việc học tập. Tuy nhiên, năng lực này không đồng đều ở mọi sinh viên tham gia vào môn học (vì khác năm, khác khóa, khác nền tảng cơ bản). Đồng thời đào tạo tín chỉ có mục tiêu là nâng dần năng lực này của sinh viên vì thế, giảng viên cần hỗ trợ để sinh viên từng bước đạt được mục tiêu này.
Phát triển kỹ năng Tư vấn cho sinh viên
Sinh viên trong một lớp môn học có thể đến từ nhiều ngành học, khóa học khác nhau, có thời khóa biểu học khác nhau, nhu cầu và thời gian có thể tư vấn khác nhau. Hơn nữa, đặc điểm vùng miền, văn hóa học tập, động cơ học tập, mục tiêu nghề nghiệp của sinh viên cũng rất đa dạng nên nhu cầu cần trợ giúp của sinh viên có tính cá thể hóa cao, đòi hỏi sự trợ giúp gắn với từng đối tượng cụ thể.
Phát triển kỹ năng khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động giảng dạy, tư vấn nhằm giảm tải, giảm lãng phí về nội dung, thời gian làm những việc lặp lại của giảng viên. VD: sử dụng website môn học; biên soạn các sổ tay điện tử về môn học (giải đáp các thắc mắc phổ biến, lặp lại của sinh viên về môn học) -> giảng viên mất công một lần nhưng hiệu suất sử dụng được tăng lên rất nhiều; tư vấn online cho cá nhân hoặc nhóm sinh viên.
          4. Kết luận
          Khi chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ, ngoài việc phải nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiệp vụ sư phạm, nâng cao năng lực quản lý đào tạo là một yêu cầu thực, cấp thiết. Cần lưu ý rằng giữa các nội dung của năng lực nghiệp vụ sư phạm với các nội dung của năng lực quản lý đào tạo dường như có sự giao thoa nhưng thực chất là tiếp cận từ góc độ khác nhau sẽ đưa đến những đòi hỏi khác nhau về năng lực của giảng viên.
          Nếu việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra – đánh giá thuộc phạm vi năng lực nghiệp vụ sư phạm thực chất là quá trình tiếp nhận, chuyển hóa các kiến thức, kỹ năng mới về phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra – đánh giá để giảng viên có thể áp dụng vào hoạt động dạy học của mình thì từ góc độ của năng lực quản lý đào tạo, giảng viên phải xem xét khả năng áp dụng các phương pháp mới ấy trong bối cảnh đào tạo cụ thể của nhà trường, của lớp môn học, của đặc điểm sinh viên ở từng thời kỳ cụ thể để xác định rõ những điều kiện cần có từ phía nhà trường, từ phía sinh viên thì mới áp dụng thành công các phương pháp mới.
          Quá trình đó không chỉ đòi hỏi giảng viên phải nắm vững quy chế đào tạo, các quy định cụ thể của nhà trường mà còn phải điều phối toàn bộ các nguồn lực cá nhân, nguồn lực bên ngoài (gồm cả năng lực, trải nghiệm của người học) để có sự lựa chọn, phát triển, vận dụng cho phù hợp.

          Theo nghĩa ấy, việc phân định năng lực quản lý đào tạo như một yếu tố độc lập với năng lực nghiệp vụ sư phạm sẽ giúp cho việc hoạnh định chính sách của nhà trường, việc tự đào tạo của giảng viên được rõ ràng và hiệu quả hơn.